Giới thiệu mô hình nhà máy xanh

Trong bối cảnh chiến lược phòng chống dịch thay đổi từ “không có Covid-19” sang “sống chung an toàn”, các doanh nghiệp cần giữ vai trò chủ động để xây dựng mô hình nhà máy xanh, sản xuất xanh. Đây là đề xuất nêu ra tại hội thảo trực tuyến giới thiệu mô hình nhà máy xanh, do Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam (VISA) tổ chức chiều 6.10.

Doanh nghiệp trên 500 lao động phải có bác sĩ riêng (Nguồn: ITN)

Sẵn sàng cho “tình hình mới”

Công ty Kurabe Bắc Ninh là một trong những doanh nghiệp điển hình đã thực hiện “3 tại chỗ” thành công, nhờ những biện pháp quyết liệt và đồng bộ. Ví dụ, xét nghiệm sàng lọc định kỳ hằng tuần và ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, quản lý các yếu tố từ bên ngoài có thể lây nhiễm dịch bệnh vào nhà máy, duy trì thông tin liên lạc 24/24 giờ để kịp thời nắm thông tin dịch bệnh… Nhờ đó, sau hơn 3 tháng thực hiện “3 tại chỗ”, công ty không để xảy ra ca mắc Covid-19 nào và từ ngày 15.9 chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.

Dù vậy, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đại diện công ty cho biết, công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn được duy trì thường xuyên. Theo đó, công ty vẫn đang thực hiện nghiêm các nguyên tắc phòng chống dịch. Những công nhân sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sẽ được xét nghiệm định kỳ hàng tuần là 20%, còn lao động ngoại tỉnh đi về trong ngày sẽ phải khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe và xét nghiệm 3 ngày/lần. Nhờ đó, mọi hoạt động của công ty đang được bảo đảm an toàn.

Còn tại Công ty TNHH Công nghiệp kính NSG Việt Nam (Bà Rịa – Vũng Tàu), đại diện công ty cho biết, ngay từ đầu tháng 9, khi đang thực hiện “3 tại chỗ”, công ty đã họp bàn, lên phương án và đã sẵn sàng cho kế hoạch “bình thường mới”. Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine trên địa bàn tỉnh còn thấp, lãnh đạo công ty xác định khi mở cửa trở lại “sẽ phải vất vả hơn 3 tại chỗ” và đặt mục tiêu không có F0 trong nhà máy. Theo đó, công ty đầu tư khẩu trang 3M N95 cho toàn bộ nhân viên, bắt buộc phải đeo trong suốt quá trình làm việc và di chuyển giữa nơi ở – nhà máy. Đồng thời, công ty tăng cường khử khuẩn ở những nơi tập trung đông người, hiếm khí như văn phòng làm việc, phòng điều khiển, nhà ăn. Công ty cũng đã đặt 24 máy khử khuẩn bằng tia UV và sẽ lắp đặt trong tháng 11 tới.

Doanh nghiệp trên 500 người cần có bác sĩ riêng

Trong bối cảnh các địa phương đang mở cửa dần và chiến lược phòng chống dịch thay đổi từ “không có Covid-19” sang “sống chung an toàn”, việc các doanh nghiệp nhanh chóng có kế hoạch, sẵn sàng cho tình hình mới là rất cần thiết.

TS. BSCKII Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP. Hồ Chí Minh, thành viên Ban cố vấn chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn của Bộ Y tế cho rằng, trong giai đoạn bình thường mới, doanh nghiệp cần đánh giá được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Doanh nghiệp cần chủ động phân luồng, sàng lọc, phát hiện sớm, cách ly kịp thời ở diện hẹp khi có F0. Tổ chức xét nghiệm cho người lao động ngay tại nhà máy, bảo đảm cho người lao động được tiêm đủ 2 mũi vaccine, tuân thủ biện pháp phòng chống dịch và kiểm soát lây nhiễm.

Một điểm đáng lưu ý được bà Hà chỉ ra là nhiều doanh nghiệp chưa có đơn vị y tế riêng nên thụ động, lúng túng nếu có dịch. Để khắc phục, doanh nghiệp có dưới 500 lao động nên bố trí một điều dưỡng, có hợp tác với các cơ sở y tế. Nếu có trên 500 lao động cần tuyển bác sĩ dự phòng hoặc bác sĩ kiểm soát nhiễm khuẩn để chủ động trong phòng chống dịch. Khi người lao động đã được tiêm 2 mũi vaccine thì không nhất thiết phải xét nghiệm 3 ngày một lần, trừ khi có người mắc triệu chứng.

Trong tình hình mới, doanh nghiệp không thực hiện “3 tại chỗ” nên công nhân sẽ được về nhà. Bà Hà khuyến cáo, doanh nghiệp vẫn cần bố trí nơi ở riêng cho những người nằm trong vùng nguy cơ cao được ở lại để bảo đảm “xanh hóa” lao động. 

Trên cơ sở khảo sát tại 120 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” thời gian qua, Phó Chủ tịch VISA Ngô Ngọc Khanh cho rằng, việc xây dựng nhà máy xanh được đánh giá là giải pháp phù hợp với tình hình mới.

Theo ông Khanh, mô hình sẽ dựa trên 3 trụ cột chính: Giải pháp phòng chống dịch xanh, người lao động xanh và tinh thần xanh. Cụ thể, đối với giải pháp phòng chống dịch xanh đòi hỏi doanh nghiệp phải thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, xét nghiệm sàng lọc đầu vào cho người lao động xanh tuyệt đối trước khi tham gia sản xuất, cam kết của người lao động về phòng chống dịch cùng nhà máy và xây dựng giải pháp phòng chống dịch cho từng cá nhân, nhà máy xây dựng giải pháp phòng chống dịch cho từng phân xưởng. Đồng thời, tầm soát định kỳ cho người lao động tại nhà máy theo tiêu chí đánh giá rủi ro.

Đối với tiêu chí lao động xanh, phải bảo đảm 2 tiêu chí về y tế (khai báo y tế, xét nghiệm và khai báo xét nghiệm, được tiêm vaccine và tiền sử bệnh tật) và tiêu chí cam kết xanh (xây dựng phương án phòng chống dịch cho cá nhân, ký cam kết phòng chống dịch với nhà máy và địa phương, có tính kỷ luật, không che giấu tình trạng sức khoẻ hiện tại).

Đối với tinh thần xanh, doanh nghiệp cần tạo ra phong trào lan tỏa tinh thần tích cực như thể dục, thiện nguyện, đào tạo tay nghề, văn nghệ…

Từ nhiều nhà máy xanh sẽ tạo nên mô hình sản xuất xanh: Người lao động xanh, nhà máy xanh, ban quản lý khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp xanh và y tế khu công nghiệp xanh. Trong đó, y tế khu công nghiệp xanh cần bảo đảm hỗ trợ cách ly F0 ra khỏi nhà máy trong vòng 24 giờ, hỗ trợ xét nghiệm, cho phép nhà máy xét nghiệm mẫu gộp để giảm gánh nặng chi phí…

Minh Châu

(Nguồn: https://daibieunhandan.vn/xay-dung-mo-hinh-nha-may-xanh-ci3g004lyk-64236)

Request For Quotation
Main Menu x